Biểu tượng Văn_hóa_Hải_Phòng

Hoa phượng đỏ

Từ lâu, hoa phượng đỏ (phượng vĩ) đã trở thành biểu tượng của thành phố cảng Hải Phòng. Đối với mỗi người Hải Phòng, dù già hay trẻ, dù đang sống tại thành phố hay sống xa quê hương thì vẫn luôn giữ trong ký ức một màu đỏ rực khó phai của hoa phượng vĩ hai bên bờ hồ Tam Bạc mỗi độ hè về. Cây phượng vĩ được người Pháp du nhập vào Việt Nam từ cuối thế kỷ 19, có đặc điểm sinh thái là bắt đầu nở hoa vào những ngày đầu mùa hè, mùa hoa phượng kéo dài trong khoảng 1 tháng (từ đầu tháng 5 đến hết tháng 6) đúng vào thời điểm bắt đầu mùa du lịch biển của Hải Phòng và ngày giải phóng thành phố (13 tháng 5). Dù ngày nay phượng vĩ được trồng khắp mọi nơi tại Việt Nam nhưng nhắc đến Hải Phòng người ta vẫn thường gọi bằng cái tên đầy thi vị là Thành phố hoa phượng đỏ. Nguồn gốc của tên gọi đó có thể bắt nguồn từ một bài hát rất nổi tiếng về Hải Phòng. Bài hát Thành phố hoa phượng đỏ được nhạc sĩ Lương Vĩnh phổ nhạc từ bài thơ cùng tên của nhà thơ Hải Như viết năm 1970. Vượt qua sự thử thách của thời gian, bài hát có sức lay động đặc biệt đối với mỗi người Hải Phòng, nhất là với những ai đang sống xa thành phố quê hương. Bài hát đã được chọn làm nhạc hiệu của Đài Phát thanh Truyền hình Hải Phòng và được xem như bài hát truyền thống của những người con đất Cảng.

Đường Phạm Văn Đồng của Hải Phòng từ cầu Rào - Đồ Sơn chính thức được công nhận là con đường trồng nhiều cây phượng nhất của Việt Nam. Trên chiều dài hơn 20 km này được trồng 3.068 cây phượng.

Ngoài hoa phượng đỏ ra, Nhà hát lớn Hải Phòng nằm ngay giữa quảng trường trung tâm thành phố bao năm qua cũng được coi như biểu tượng kiến trúc đặc trưng của Hải Phòng. Nhà hát được xây dựng vào năm 1904, hoàn thành năm 1912 theo thiết kế của kiến trúc sư người Pháp với nguyên vật liệu mang từ Pháp sang. Cùng với Nhà hát lớn tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh thì đây là số ít những nhà hát được người Pháp xây dựng tại Việt Nam thời kỳ thuộc địa.